Sỏi bàng quang và những biến chứng nguy hiểm bạn phải biết

Sỏi bàng quang là chứng bệnh tại đường tiết niệu rất thường gặp ở những người trưởng thành. Tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi chiếm đa số và nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Bài viết hôm nay của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về triệu chứng sỏi bàng quang, cách điều trị và những lưu ý khi mắc bệnh. Hãy theo dõi để có những thông tin hữu ích cho mình.

Bài viết liên quan:

Bệnh viêm bàng quang cấp có nguy hiểm không và cách chữa

> Các phương pháp điều trị bệnh viêm bàng quang ở nam giới

Theo trang tin Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, sỏi bàng quang chiếm tới 1/3 tỉ lệ số ca sỏi đường tiết niệu. Sỏi có thể từ thận, từ niệu quản rơi xuống bàng quang.

Thực tế, nếu sỏi từ thận, niệu quản rơi xuống với kích thước nhỏ thì chúng có thể được đào thải ra bên ngoài theo đường nước tiểu. Thế nhưng, nếu kích thước sỏi lớn, không được đào thải ra bên ngoài lâu ngày chúng sẽ to lên do các cặn sỏi tồn tại sẵn trong bàng quang tiếp tục bám vào.

Sỏi bàng quang là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Sỏi bàng quang chính là một khối gồm nhiều chất hóa học khác nhau. Chúng được hình thành từ thận, niệu quản hoặc hình thành ngay ở bàng quang.

Sỏi bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang được hình thành từ thận, niệu quản hoặc chính bàng quang

Hình dạng của sỏi bàng quang thường là hình tròn, ít bị xù xù hay góc cạnh. Kích thước rất đa dạng, có lúc chỉ nhỏ bằng hạt ngô (bắp), nhưng cũng có loại sỏi với kích thước to bằng quả trứng gà hoặc bằng nắm tay.

Sỏi bàng quang cần được điều trị sớm nếu không chúng sẽ gây ra khó chịu cũng như gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang hình thành do nhiều nguyên nhân. Trong đó theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Khắc Hậu – Nguyên trưởng khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nguyên nhân gây sỏi bàng quang bao gồm những yếu tố chủ yếu sau:

+ Do người bệnh sử dụng các thuốc điều trị bệnh có nhiều chất làm kết tủa, lắng đọng hoặc sử dụng nhiều canxi, chất khoáng… nhưng lại ít bổ sung nước cho cơ thế. Đây là nguyên nhân đầu tiên gây nên sỏi bàng quang.

+ Với người cao tuổi, nguyên nhân gây sỏi bàng quang chủ yếu là do mắc các vấn đề như túi thừa bàng quang, nhiễm trùng, viêm, cục, u. Cổ bàng quang bị chít hẹp nguyên nhân do u xơ tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt mãn tính kích thước tuyến tiền liệt tăng lên và đè vào cổ bàng quang, kết quả là gây ứ đọng nước tiểu.

+ Sỏi bàng quang cũng có thể hình thành nếu có dị vật trong bàng quang, hiện tượng chít hẹp niệu đạo gây nên tình trạng ứ đọng nước tiểu tại đây và tạo thành sỏi bàng quang.

+ Ngoài ra, những nguyên nhân khác gây sỏi bàng quang có thể là: Do hạn chế đi lại (tính chất công việc như văn phòng, người lái xe); nhịn tiểu thường xuyên; hoặc những người có thói quen ngại uống nước, uống nước canh, ăn rau… điều này khiến cho việc đào thải các chất lắng cặn, dư thừa ra bên ngoài gặp khó khăn.

Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Nhịn tiểu thường xuyên là một nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Triệu chứng sỏi bàng quang

Thực tế, có rất nhiều người bệnh bị sỏi bàng quang nhưng lại không hề có những dấu hiệu nhận biết đặc biệt. Do vậy, nhiều người biết mình mắc bệnh chỉ thông qua đợt khám bệnh định kỳ.

Thông thường, sỏi bàng quang gây nên hiện tượng tiểu rắt nhiều lần, đặc biệt là vào ban ngày do bạn đi lại và vận động nhiều.

Nếu trường hợp bàng quang bị nhiễm khuẩn – tức viêm bàng quang, lúc này nước tiểu của người bệnh sẽ có màu đục, đôi khi nước tiểu có máu và có hiện tượng sốt nhẹ. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau bụng dưới, tiểu khó, tiểu buốt, khó khăn khi tiểu tiện.

Theo các chuyên gia, những biểu hiện lâm sàng của sỏi bàng quang rất dễ làm cho người bệnh nhầm lẫn với những bệnh lý khác như: Lao bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt, u bàng quang, ung thư bàng quang.

Tuy nhiên, sỏi bàng quang có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Cho nên khi bạn có những dấu hiệu tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành thăm khám và điều trị.

Sỏi bàng quang có nguy hiểm không và cách điều trị

Sỏi bàng quang cũng giống như các bệnh lý tại bàng quang khác nếu không được điều trị sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nếu bản thân đang có các dấu hiệu bệnh, bạn cần biết những nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra và cách điều trị hiệu quả sau đây.

Bị sỏi bàng quang có nguy hiểm không?

Sỏi bàng quang có nguy hiểm không là câu hỏi khiến cho không ít người phải lo lắng. Thực tế, các triệu chứng bệnh như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, đau bụng dưới… luôn gây khó khăn và phiền toái cho người bệnh từ cuộc sống sinh hoạt cho đến công việc.

Đặc biệt, nếu không điều trị sỏi bàng quang sớm và kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

Biến chứng sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có thể gây biến chứng là viêm thận

+ Viêm bàng quang: Một khi sỏi to sẽ làm tổn thương niêm mạc tại bàng quang. Khi co bóp sỏi này sẽ tạo nên lực cọ sát vào niêm mạc nhiều lần, lâu dần sẽ gây viêm, nhiễm khuẩn, loét, nặng là chảy máu. Và nếu viêm bàng quang cấp không được điều trị sẽ gây viêm bàng quang mạn tính, gây teo hoặc rò bàng quang.

+ Viêm thận: Sỏi bàng quang có thể gây viêm thận do tình trạng nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém nhiều chi phí, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Cách chữa sỏi bàng quang hiệu quả

Như vậy, có thể thấy rằng sỏi bàng quang gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Lúc này việc điều trị bệnh sớm là một điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Những cách điều trị sỏi bàng quang phổ biến được áp dụng đó là:

1. Điều trị bằng thuốc

Được áp dụng cho những trường hợp sỏi còn nhỏ, chưa có biến chứng. Các loại thuốc được chỉ định sẽ giúp làm tan sỏi, sau đó sỏi sẽ theo đường nước tiểu ra ngoài. Bên cạnh đó, nếu người bệnh có dấu hiệu viêm nhiễm sẽ được chỉ định các thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn.

Phương pháp điều trị sỏi bàng quang bằng thuốc là một phương pháp an toàn, ít tốn kém và tiện dụng. Những người có thể trạng yếu và người già là những đối tượng người bệnh được chỉ định.

2. Tán sỏi bàng quang

Tán sỏi bàng quang thường được thực hiện thông qua phương pháp nội soi. Các bác sĩ có thể sử dụng các loại máy tán sỏi khác nhau như: Máy tán sỏi cơ học, máy sử dụng sóng xung kích điện thủy lực, máy bằng sóng siêu âm, tia laser…

Các máy tán sỏi này sẽ giúp tán sỏi bàng quang thành những mảnh nhỏ để thông qua việc tiểu tiện bài tiết chúng ra bên ngoài, cải thiện tình trạng bệnh.

3. Phẫu thuật sỏi bàng quang

Cách điều trị sỏi bàng quang này được áp dụng cho những trường hợp sỏi có kích thước lớn, sỏi không thể tán bằng máy hoặc sỏi có đi kèm với một số hiện tượng khác như xơ cứng cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt.

Cách điều trị sỏi bàng quang

Điều trị sỏi bàng quang bằng phẫu thuật

Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ để lấy sỏi bàng quang. Tuy là phẫu thuật nhưng đây là phương pháp không quá phức tạp, thời gian mổ lấy sỏi ít nhưng thời gian chăm sóc hậu phẫu lại nhiều hơn so với cách nội soi tán sỏi.

Những lưu ý trong điều trị sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang không phải chỉ cần uống thuốc, phẫu thuật là khỏi. Bởi có rất nhiều yếu tố tác động khiến tình trạng của bệnh không thể dứt điểm. Chính vì vậy, thời gian mắc bệnh cũng như điều trị bạn cần lưu ý những vấn đề sau để có kết quả như mong muốn.

+ Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng liệu trình để có thể nhanh chóng chấm dứt sỏi bàng quang sớm nhất.

+ Cung cấp đủ nước cho cơ thể từ 1,5 đến 2 lít mỗi ngày gồm cả nước khoáng, nước có trong các loại rau, củ, quả… Đặc biệt là bạn tuyệt đối không được nhịn tiểu.

+ Bị sỏi bàng quang nên ăn gì? Đây là vấn đề mà bạn cần phải lưu ý bởi chế độ ăn uống rất quan trong trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Khi bị sỏi bàng quang bạn nên bổ sung các thực phẩm như: Cá, tỏi, cần tây, ăn nhiều rau, củ, quả tươi, uống nước ép trái cây…

Bên cạnh đó là kiêng những thực phẩm như: Muối, thực phẩm nhiều canxi, thực phẩm chứa nhiều vitamin C và axit, kiêng cà phê, nước ngọt có ga, các món ăn chiên xào, đồ ăn cay nóng…

+ Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội và không nên ngồi lâu một chỗ.

Hi vọng rằng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đây đã giúp cho nam giới hiểu hơn về sỏi bàng quang. Hãy nhanh chóng gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu như tiểu rắt, tiểu nước đục, tiểu buốt để sớm phát hiện sỏi bàng quang và điều trị bệnh kịp thời.

Xem Thêm:

Các cách chữa viêm bàng quang tại nhà hiệu quả cho nam giới

Bùi Nam (T/h)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo